Các đại biểu tham dự hội nghị giao ban Thường trực HĐND lần thứ Năm
Theo Nghị quyết 35 của Quốc hội, việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn từ năm 2013 trở đi trở thành một trong những nội dung quan trọng, thường niên của Quốc hội và HĐND các cấp. Tổ chức lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm là thể hiện chức năng giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (cơ quan dân cử).
Tại hội nghị giao ban lần này, chủ đề “Lấy phiếu tín nhiệm - kinh nghiệm, thực tiễn và giải pháp” là chủ đề mới, được nhiều người quan tâm; hầu hết các đại biểu phát biểu co liên quan đến chủ đề đều khẳng định việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội và HĐND bầu hoặc phê chuẩn là cần thiết. Kết quả việc lấy phiếu tín nhiệm của đại biểu dân cử chính là sự ghi nhận, động viên, khích lệ đối với người có tín nhiệm cao, đồng thời là sự nhắc nhỡ, lưu ý đối với người có tín nhiệm và tín nhiệm thấp có tỷ lệ cao. Kết quả của việc lấy phiếu tín nhiệm để mỗi người có liên quan (kể cả người thực hiện ghi phiếu và người được lấy phiếu…), nhất là những người giữ chức vụ do đại biểu cơ quan dân cử bầu “nhìn lại”, tự điều chỉnh hành vi hoạt động của mình, khắc phục những hạn chế, thiếu sót (nếu có) và định hướng cho hành vi hoạt động. Ngoài ra, kết quả việc lấy phiếu tín nhiệm còn là “một kênh” để cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ làm cơ sở cho công tác quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ ...
Tuy nhiên, đây là lần đầu thực hiện nên khó tránh khỏi những hạn chế lúng túng như: Người giữ chức vụ do đại biểu cơ quan dân cử bầu chưa báo cáo đầy đủ, nghiêm túc về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống. Một số trường hợp chưa nắm vững yêu cầu của nội dung Nghị quyết 35 của Quốc hội, có báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm ghi đủ việc thực hiện nhiệm vụ của các chức vụ mà mình đảm nhiệm (Đảng, đoàn thể, mặt trận, ... là đại biểu ...).
Đại biểu HĐND tỉnh bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ Sáu
Về đối tượng lấy phiếu tín nhiệm cũng còn có ý kiến khác nhau. Vì qua kết quả lấy phiếu tín nhiệm của từng cấp của cơ quan dân cử nhiều địa phương có kết quả gần giống nhau: Người giữ chức vụ do đại biểu cơ quan dân cử bầu giữ các chức vụ ở cơ quan điều hành, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cùng cấp thì phiếu “tín nhiệm cao” phần đông lại thấp; và ngược lại... Theo Luật Tổ chức HĐND và UBND hiện tại, thì các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện thuộc UBND cùng cấp chứ không phải là thành viên của UBND. Nhưng thực tế, điều hành công việc và chịu trách nhiệm với Chủ tịch UBND như một thành viên của UBND. Do đó, đối tượng này cũng cần quan tâm điều chỉnh. Mặc khác về 3 mức ghi trong phiếu tín nhiệm “Tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp” có nhiều ý kiến đề nghị điều chỉnh lại phù hợp hơn.
Tại hội nghị, với chủ đề “Lấy phiếu tín nhiệm - kinh nghiệm, thực tiễn và giải pháp” đại biểu có nhiều ý kiến và kiến nghị. Nổi cộm có một số vấn đề sau: Về mức ghi trong phiếu tín nhiệm khi lấy phiếu tín nhiệm, đề nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, nên còn lại 02 mức và đổi tên (tín nhiệm và không tín nhiệm); và có quy định, hướng dẫn tiêu chí cụ thể cho từng mức tín nhiệm hoặc không tín nhiệm. Trường hợp, người có số phiếu “không tín nhiệm” cao, phải có trên 2/3 số đại biểu thể hiện bằng phiếu mới xem xét xử lý tại kỳ họp gần nhất của cơ quan dân cử. Mặc khác, cũng có ý kiến, nếu khi đưa ra kỳ họp gần nhất để bỏ phiếu. Kết quả, số phiếu ngược lại (có số phiếu tín nhiệm cao hoặc không đồng ý bãi nhiệm...) thì cách xử lý như thế nào? Đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức HĐND - UBND theo hướng, Giám đốc cơ quan chuyên môn thuộc UBND “là thành viên của UBND cùng cấp”; Giám đốc sở do Chủ tịch UBND trình HĐND phê chuẩn và bổ sung quy định là đối tượng trong diện được lấy phiếu tín nhiệm. Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn thêm, lấy phiếu tín nhiệm như thế nào đối với người giữ chức vụ ở cơ quan điều hành, cơ quan chuyên môn và người giữ chức vụ ở cơ quan dân cử…./.
Lâm Quang Gẫm